Bệnh tiểu đường

Những biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là căn bệnh của thời gian, bệnh thường gây những biến chứng nghiêm trọng, nếu không điều trị và kiểm soát kịp thời,bệnh dễ gây biến chứng nghiêm trọng cho các cơ quan khác của cơ thể, mạch máu và thần kinh. Dưới đây là những biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.

1. Cấp tính

Những biến chứng của bệnh tiểu đường.

Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường bao gồm do tăng đường huyết (hôn mê do nhiễm ‘toan ceton’, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu) và do hạ đường huyết.

Hôn mê do nhiễm toan ceton – thường gặp ở ĐTĐ típ 1 hơn ĐTĐ típ 2. Khi insulin thiếu, quá trình thoái biến và chuyển hóa acid béo trong cơ thể bị rối loạn, sản phẩm trung gian đó là ceton, nồng độ ceton tăng cao gây toan máu. Nhiễm toan ceton có thể xảy ra khi nhiễm trùng, căng thẳng, hoặc chấn thương làm tăng nhu cầu insulin của cơ thể. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton bao gồm buồn nôn, nôn và đau bụng, hơi thở có mùi ceton.

Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu – thường gặp ở ĐTĐ típ 2 hơn, các yếu tố như stress, nhiễm trùng, và một số loại thuốc (như corticosteroids) cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao bất thường. Mức đường máu cao kèm theo mất nước làm gia tăng độ thẩm thấu của máu, tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn và dẫn đến hôn mê. Giống như hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê thẩm thấu là tình trạng cấp tính, cần lập tức điều trị ngay với truyền dịch tĩnh mạch và insulin.

Hạ đường huyết – có nghĩa là lượng đường trong máu thấp bất thường dưới 70 mg/dl (3,9 mmol/l). Các triệu chứng hay gặp là toàn thân mệt mỏi, vã mồ hôi, run, lo âu, mờ mắt, nhức đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà. Nếu không điều trị, lượng đường trong máu thấp có thể dẫn đến hôn mê, co giật, và trong trường hợp xấu, gây chết não dẫn đến tử vong, thường xảy ra khi đường huyết < 40 mg/dl. Trong một số trường hợp các triệu chứng có thể xảy ra ở mức đường máu cao hơn hoặc thấp hơn, thậm chí không có triệu chứng hạ đường huyết. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mức đường trong máu thấp là sử dụng quá liều insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết nhóm sulfamid; hoặc có thể là kết quả của việc thiếu năng lượng do ăn uống quá kiêng khem hoặc vận động gắng sức quá mức.

Đặc biệt lưu ý ở những bệnh nhân lớn tuổi thường có nhiều bệnh lý khác kèm theo như tim mạch, bệnh lý thần kinh, chức năng thận và chức năng gan bị suy giảm nên các biến chứng cấp tính xảy ra thường nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn người trẻ.

2. Mãn tính

Những biến chứng bệnh tiểu đường.

Biến chứng ở não

  • Giảm lưu lượng máu, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não
  • Tai biến mạch máu não có thể xảy ra khi việc cung cấp máu cho một trong các mạch máu dẫn lên não đột nhiên bị chặn
  • Triệu chứng của tai biến mạch máu não: tình trạng yếu ớt hoặc tê liệt một bên cơ thể; một bên mặt bị méo hoặc khó nói.

Biến chứng ở thận

  • Bệnh cao huyết áp và đường huyết cao có thể làm giảm chức năng của thận, gây suy thận.
  • Nguyên nhân: huyết áp và đường huyết cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ nằm trong thận. Hậu quả là các mạch máu rất nhỏ làm chức năng lọc máu bị rò rỉ, gây suy thận.
  • Lời khuyên: Bệnh nhận bị tiểu đường nên kiểm tra thận định kỳ 12 tháng / 1 lần để phát hiện sớm các vấn đề về thận giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

Biến chứng ở mạch máu chân

  • Giảm lưu lượng máu đến các chi, gây ảnh hưởng đến chân và bàn chân. Đây được gọi là bệnh động mạch ngoại biên.
  • Biểu hiện: gây đau đớn, cảm lạnh, thay đổi màu da cẳng chân và bàn tay, làm vết thương lâu lành, làn da chân bị bóng loáng, đau khi vận động.
  • Việc thiếu máu đến chân trong thời gian dài có thể dẫn đến phải cắt cụt chân.

Biến chứng ở mắt

  • Đường huyết cao gây ra những tổn thương cho các mạch máu nhỏ trong mắt, qua thời gian, các mạch máu nhỏ ở võng mạc có thể bị tổn thương và rò rỉ chất dịch hoặc chảy máu. Đây được gọi là bệnh võng mạc.
  • Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,…

Biến chứng ở tim

  • Giảm lưu lượng máu, làm tăng nguy cơ đau tim.
  • Những triệu chứng của đau tim: vùng ngực giữa bị đau nghiêm trọng, cơn đau có thể di chuyển lên cổ hoặc xuống cánh tay trái và gây khó thở.
  • Người mắc bệnh tiểu đường có thể không có bất cứ triệu chứng nào của đau tim do thần kinh đã bị tổn thương, làm mất cảm giác đau.

Biến chứng về thần kinh

  • Tổn thương có thể xảy ra với thần kinh, ở dưới chân, trên cánh tay và bàn tay. Đây gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Tổn thương thần kinh có thể gây đau đớn, ngứa ran hoặc tê.
  • Ngoài ra, tổn thương thần kinh còn gây ảnh hưởng đến dạ dày, ruột, bằng quang, bộ phận sinh dục,…Đây gọi là biến chứng thần kinh tự chủ

 

Nguồn tham khảo: hoanmydanang.com, vnexpress.net

 

Trả lời